image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Phòng chống bão số 2
Lượt xem: 10
Công điện số 04/CĐ-CT của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Dương về việc Phòng, chống bão số 2 năm 2024

Chủ tịch UBND huyện An Dương

Điện: Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị huyện

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Hồi 16 giờ ngày 21/07/2024 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 180km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 16 giờ 00 ngày 22/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Thực hiện Công điện số 04/CĐ-CT ngày 21/7/2024 của Chủ tịch UBND thành phố về việc Phòng chống bão số 2 năm 2024; để chủ động ứng phó với bão, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Tuyệt đối không được chủ quan, chuẩn bị tốt nhất sẵn sàng các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn gây ra.

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.

3. Chủ động rà soát và thực hiện các biện pháp, các phương án phòng, chống bão, phương án sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực trũng thấp, ven sông, khu nhà cũ xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở (đặc biệt sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán dân đối với địa bàn khu dân cư thôn Trại Kênh, Thôn Lê Xá, thôn Lực Nông, xã Đại Bản - nằm phía ngoài đê Quốc gia).

4. Tổ chức kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều (đặc biệt các vị trí đê, kè, cống xung yếu, các công trình thủy lợi trọng điểm xung yếu), khu, cum công nghiệp, công trình đang thi công, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại sản xuất nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh.

5. Chủ động thực hiện các biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ cây trồng; rà soát, có phương án đảm bảo tiêu thoát nước khu dân cư trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, để giảm thiểu thiệt hại.

6. Rà soát, sẵn sàng phương án và tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

7. Các thanh viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão theo địa bàn, lĩnh vực đã được phân công.

8. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thướng xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện (qua Văn phòng Thường trực phòng chống thiên tai - Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để tổng hợp)./.

 

Tài liệu đính kèm

Lê Thành Trung - Văn phòng UND xã Đặng Cương
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới